Văn trị võ công Tây Hạ Cảnh Tông

Ngay khi lên ngôi hoàng đế, Cảnh Tông sai đại thần Gia Luật Nhân Vinh phỏng theo văn tự Khiết Đan, lập ra chữ viết Tây Hạ, dốc sức phát triển văn hóa, giáo dục. Bên cạnh đó, Cảnh Tông 3 lần phát động chiến dịch đánh Tống: Tam Xuyên (nay thuộc Diên An, Thiểm Tây), Hiếu Thủy (nay thuộc Long Đức, Ninh Hạ) và Định Xuyên (nay thuộc Cố Nguyên, Cam Túc) và đều thắng lớn cả ba trận. Quân Tây Hạ cũng đụng độ với quân Liêu và đại thắng ở trận núi Hạ Lan, từ đó khẳng định vị thế chân vạc với Tống - Liêu.

Mục tiêu của Cảnh Tông là chiếm giữ vùng đất Quan Trung, nên dốc lực công phá Trường An, tuy nhiên quân Tống ngoan cường chống trả, đánh bại quân Tây Hạ. Do phát động chiến tranh liên tục làm ảnh hưởng đến kinh tế Tây Hạ, binh lực cũng không đủ sức tham chiến dài lâu, Cảnh Tông buộc phải ký hòa ước Khánh Lịch 1044 với Tống, qua đó tạo uy hiếp với Liêu quốc. Dù phải xưng thần với Tống và Tống Nhân Tông công nhận Cảnh Tông là quốc vương xứ Thổ Phồn (Hạ quốc vương), nhưng đổi lại, nhà Tống mỗi năm phải "cho" trà và bạc mỗi thứ 25 vạn rưỡi lạng cho Tây Hạ[cần dẫn nguồn]. Tuy quân Tây Hạ rút đi để trả lại thành cho nhà Tống, khi rút lui, họ dùng chiến lược tiêu thổ, mang đi hoặc đốt cháy quân dụng của Tống. Nhà Tống chỉ còn tiếp nhận được những tòa thành rỗng không.

Sau khi đình chiến với Tống, Cảnh Tông bắt đầu thời kỳ xây dựng đất nước. Đầu tiên, ông ra sức củng cố chính quyền, dùng những người Hán làm cố vấn trong triều. Bản thân Cảnh Tông cũng biết tiếng Hán, cũng hâm mộ văn hóa Hán, nên từ cải cách, củng cố đến tổ chức của ông cũng đều y theo người Hán. Lối xưng hô, cách ăn mặc, cách học tập cũng như vậy. Ông khuyến khích quan dân học tiếng Hán, cho in ấn nhiều sách vở, dịch văn tự từ tiếng Hán sang tiếng Thổ Phồn.

Tuy trọng văn hóa Trung Hoa, nhưng Cảnh Tông cũng cố gắng không để cuộc sống văn minh xa hoa của người Hoa ảnh hưởng vào nước mình, vì nó sẽ làm nản ý chí dân tộc của ông, lâu dần sẽ mất đi tính chất mạnh mẽ hiếu chiến của người Thổ Phồn, đó là điều ông không muốn. Ông cũng giảm đi và rồi cắt đứt quan hệ giao thương với nhà Tống, và cố gắng để cho đất nước của mình không bị Hán hóa quá đậm.